Lạm dụng sách tham khảo - "Thủ phạm" làm hại tư duy học sinh.

I. Mở bài:

Xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ, đòi hỏi con người ta, và đặc biệt là học sinh phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu về tri thức và trí tuệ. Thế nhưng, hiện nay đang tồn tại một nghịch lí trong nền giáo dục: học sinh lười suy nghĩ, thiếu sáng tạo. Việc lạm dụng nhiều sách tham khảo đã và đang làm thui chột tư duy của học sinh.

Lạm dụng sách tham khảo - "Thủ phạm" làm hại tư duy học sinh.
Lạm dụng sách tham khảo - "Thủ phạm" làm hại tư duy học sinh.


II.Thân bài:

1. Dẫn dắt ( Khái quát vào bài):

Sách tham khảo không phải là xấu, nhưng việc lạm dụng nó của học sinh đang trở thành một vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Vậy, chúng ta suy nghĩ như thế nào về hiện tượng này?

2. Giải thích: Sách tham khảo là gì?

Sách tham khảo là một công cụ góp phần cung cấp thêm tư liệu, mở rộng kiến thức giúp cho việc học tốt hơn. Hiện nay, sách tham khảo có ở mọi lĩnh vực của cuộc sống, ở mọi bậc, cấp học với đủ chủng loại, kiểu dáng và được trình bày khá bắt mắt. Điều đó, giúp cho người sử dụng nâng cao được khả năng trình bày, giúp học sinh diễn đạt ý tưởng của mình một cách khoa học và cụ thể.

3. Liên hệ thực tế, nêu biểu hiện:

- Khoảng chục năm trở lại đây, các loại sách tham khảo dành cho đối tượng học sinh tràn ngập trên thị trường. Tâm lí phụ huynh nào cũng muốn mua thêm cho con em mình một số loại sách tham khảo, ngoài bộ sách giáo khoa, để con em có điều kiện học tập tốt hơn. Bản thân, mỗi học sinh cũng rất thích được sở hữu nhiều loại sách tham khảo hay, phục vụ cho cách diễn đạt và trình bày một cách khoa học. Hơn nữa, chương trình mới, ngoài sách giáo khoa, mỗi bộ môn còn có thêm sách giải bài tập đi kèm, cũng do nhóm tác giả làm sách giáo khoa biên soạn. Dạng sách bài tập này vừa giải đáp các câu hỏi trong sách giáo khoa vừa có mở rộng, bổ sung thêm một số dạng bài tập mới. Không đề cập đến chất lượng sách tham khảo ở đây. Xét ở góc độ nào đó, sách tham khảo cần thiết cho đối tượng học sinh. Nó bổ trợ kiến thức, củng cố, nâng cao nhận thức, tư duy học tập bộ môn cho học sinh biết sử dụng sách tham khảo.

- Thế nhưng, trong thực tế, cũng có không ít những học sinh lạm dụng quá mức sách tham khảo. Nhiều bạn chọn và mua sách tràn lan, không chú ý đến tác giả, nhà sản xuất và chất lượng sách. Không những vậy, “bưng” nguyên phần giải đáp mà không chịu tư duy, suy nghĩ trên cái hay, cái bổ ích từ sách tham khảo để chống đối khi thầy cô kiểm tra bài. Và đặc biệt hơn nữa, là dùng nó làm tài liệu trong giờ kiểm tra trên lớp, trong kì thi chung ở trường.

4. Tác hại:

Hậu quả việc lạm dụng quá mức sách tham khảo của nhiều bạn học sinh thật nguy hại. Lạm dụng quá mức sách tham khảo khiến học sinh lười suy nghĩ, thiếu tinh thần ham muốn học hỏi, tạo ra thói lười nhác, ỷ lại. Nhiều bạn học sinh coi những quyển sách tham khảo như vật bảo bối để chống đối thầy cô giáo trong giờ kiểm tra, thi cử trở thành người thiếu trung thực. Dễ bị lệ thuộc quá vào sách tham khảo, tư duy, suy nghĩ độc lập,sáng tạo của học sinh dần bị xói mọn, vơi cạn. Đồng thời, cũng gây tốn kém cho kinh tế của gia đình, bố mẹ.

5. Nguyên nhân:

Vậy, nguyên nhân là do đâu? Do tâm lí muốn có nhiều sách tham khảo. Nhưng điều đang buồn là tâm lí mong muốn đó không phải để nâng cao kỹ năng trình bày, giúp bản thân học tập tốt hơn mà chính là để đối phó với các bài tập thầy cô giáo giao. Do còn ham chơi, mải chơi, muốn hạn chế thời gian làm bài và chuẩn bị bài. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một nguyên nhân là mong muốn được điểm cao trong học tập.

6. Ý kiến đánh giá, bình luận:

Rõ ràng, tình trạng lạm dụng sách tham khảo của học sinh ngày nay cần phải bài trừ và loại bỏ. Học sinh cần phải ý thức được STK rất có ích trong học tập, chứ không lạm dụng nó. Sử dụng một cách có mức độ để đạt được hiệu quả là tùy thuộc đặc điểm mỗi cá nhân. Đồng thời, các nhà quản lý nên để sách tham khảo phát huy đúng vai trò của nó, tức là hướng dẫn, gợi mở phương pháp, nếu cần thì thêm phần đáp số (với môn Toán, Lý, Hóa), dàn ý (với môn Văn) chứ không nên biên soạn dưới dạng bài giải chi tiết như hiện nay.

III. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.

Sách tham khảo: phong phú nhưng chưa đi kèm với chất lượng?

Trên thị trường có nhiều sách tham khảo khác nhau dành cho mọi đối tượng học sinh, tuy nhiên sự đa dạng này dường như lại không đi kèm với chất lượng?

Sách tham khảo – đa dạng, phong phú

Đánh vào tâm lí của số đông phụ huynh mong muốn con cái được trang bị, mở rộng thêm nhiều kiến thức, bên cạnh kiến thức trong sách giáo khoa, nhiều cuốn sách tham khảo của các nhà xuất bản khác nhau được ra đời.

Sự phong phú, đa dạng của sách tham khảo được thể hiện ở việc mở rộng về số lượng sách ở tất cả các cấp, bậc học: từ lớp 1 đến lớp 12, từ khảo sát, kiểm tra trên lớp cho đến luyện đề thi học sinh giỏi, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp, thi đại học…

Tiến hành khảo sát tại một hiệu sách có tiếng trên đường Phạm Văn Đồng (Hà Nội), không khó để tìm thấy những cuốn sách tham khảo dành cho đủ mọi lớp phổ thông. Sách tham khảo mỗi lớp được kê thành từng dãy với hàng trăm đầu sách các loại. Riêng đối với bậc tiểu học, sách tham khảo tập trung phần lớn ở hai môn Tiếng Việt và Toán.
 Sách tham khảo dành cho học sinh lớp 1 được bày bán rất nhiều, không dưới chục đầu sách mỗi môn Toán, Tiếng Việt. Ảnh: Thiên Thanh

Sách tham khảo dành cho học sinh lớp 1 được bày bán rất nhiều, không dưới chục đầu sách mỗi môn Toán, Tiếng Việt. Ảnh: Thiên Thanh
Nhìn qua các đầu sách tham khảo dành cho học sinh lớp 1, không dưới 10 đầu sách tham khảo môn Tiếng Việt như Giải vở bài tập Tiếng Việt 1, Em làm bài tập Tiếng Việt lớp 1, Bồi dưỡng Tiếng Việt 1, Bài tập thực hành Tiếng Việt 1, 35 đề ôn luyện Tiếng Việt 1, Vở luyện tập cơ bản và nâng cao Tiếng Việt 1….
Đối với môn Toán, số lượng cũng không kém: Bài tập trắc nghiệm Toán 1, Toán bồi dưỡng học sinh lớp 1, Ôn luyện và kiểm tra Toán 1, Vở luyện tập cơ bản và nâng cao Toán 1, Phát triển và nâng cao Toán 1, Các dạng bài toán trắc nghiệm 1, Toán nâng cao 1…

Sách tham khảo giá rẻ dành cho học sinh lớp 2 còn phong phú hơn với các bài văn mẫu, như Tuyển chọn 153 bài văn hay 2 (dành cho học sinh, phụ huynh, giáo viên), Ôn tập cuối tuần môn Tiếng Việt, Bài tập Tiếng Việt nâng cao lớp 2, Tiếng Việt nâng cao 2, Trắc nghiệm Tiếng Việt 2 (bài tập trắc nghiệm tự luận và các đề kiểm tra),…

Sách tham khảo Toán lớp 2 như Nâng cao Toán 2, Giải bài tập Toán 2, Ôn luyện Toán 2 theo chuẩn kiến thức kỹ năng, Bồi dưỡng Toán cho học sinh lớp 2 (tập 1,2), Bài tập thực hành Toán 2 (tập 1,2), Vở thực hành Toán 2 (theo chương trình giảm tải của Bộ Giáo dục và Đào tạo), Cùng em học Toán 2, Vở ô li bài tập Toán lớp 2, Các bài toán thông minh 2, Tuyển chọn các bài toán đố nâng cao 2, Tuyển tập các bài toán hay và khó 2…

Thậm chí có cả những cuốn sách tham khảo được ghi rõ “dùng cho học sinh học buổi thứ 2 - 2 buổi/ngày” như Ôn luyện và kiểm tra Tiếng Việt lớp 1 (dành cho buổi học thứ 2 – lớp học 2 buổi/ngày), Thực hành Tiếng Việt và Toán lớp 1 – học trò học buổi thứ 2,…

Đáp ứng nhu cầu ôn luyện của thí sinh thi tốt nghiệp, đại học theo phương án thi quốc gia THPT mà Bộ GD&ĐT mới ban hành, ngay lập tức trên thị trường cũng xuất hiện các cuốn sách với bìa tựa kèm theo như “kỳ thi quốc gia”, “luyện thi quốc gia”, “Đề thi theo cấu trúc mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo 2014-2015”…

Chất lượng thế nào?

Sách tham khảo được dùng giúp học sinh ôn tập, luyện tập, củng cố và nâng cao kiến thức được học trong sách giáo khoa. Một cuốn sách tham khảo chất lượng sẽ có giá trị tích cực đối với học sinh. Tuy nhiên, sự phong phú đa dạng về các loại sách tham khảo dường như lại không kèm theo đó hai chữ “chất lượng”.
Các cụm từ thường xuyên được sử dụng ở tên gọi cuốn sách như “ôn luyện”, “kiểm tra”, “thực hành”, “nâng cao”, “bồi dưỡng”, “tuyển chọn”… Hầu hết các cuốn sách tham khảo đều đưa ra các câu hỏi, các đề kiểm tra, đề bài… rồi đưa ra lời giải có sẵn mà không đưa ra cho học sinh gợi ý, hướng dẫn làm bài để học sinh tự giải.

Như vậy, nhiều học sinh thụ động trong việc tìm lời giải của bài toán hoặc đọc văn mẫu theo kiểu ghi nhớ, sao chép. Ngay cả các bài văn mẫu được trình bày mà không có định hướng, hướng dẫn cho học sinh cách viết, cách triển khai các luận điểm để học sinh có thể tự mình viết bài văn của mình cũng là một điểm trừ của các loại sách tham khảo môn Ngữ văn.

Do vậy, văn mẫu dường như trở thành chiếc phao cứu sinh trong các giờ kiểm tra, trong thi cử của học sinh; cũng có những cuốn sách để tên một kiểu nhưng nội dung lại là lời giải phần bài tập, hướng dẫn học bài ở nhà trong sách giáo khoa. Chính vì thế có hiện tượng học sinh mua sách tham khảo về chỉ để “đối phó” với bài tập về nhà, chép lời giải vào vở cho có.

Điều này dẫn đến mặt tiêu cực, học sinh ỉ lại vào văn mẫu, ỉ lại vào tài liệu mà không chịu suy nghĩ, sáng tạo, lâu dần sẽ mất hứng thú học tập, thậm chí thái độ chủ quan.

Thiết nghĩ, nếu biết lựa chọn và sử dụng sách tham khảo đúng cách, phù hợp thì giúp học sinh tiến bộ, nhưng ngược lại, việc lạm dụng quá nhiều vào sách tham khảo, thậm chí sử dụng không đúng cách sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Đối với phụ huynh, học sinh và ngay cả giáo viên cần có sự định hướng sử dụng sách tham khảo hiệu quả, sao cho nó đúng là công cụ phục vụ tích cực cho việc học tập.

Công bố danh mục sách tham khảo trong trường học

Hơn 480 đầu sách vừa được NXB Giáo dục công bố để các Sở GD&ĐT lựa chọn phù hợp với nhu cầu của giáo viên, học sinh và bổ sung cho thư viện.

NXB Giáo dục Việt Nam vừa có công văn gửi các Sở GD&ĐT và công ty sách về danh mục sách tham khảo dùng cho thư viện trường học từ năm học 2013-2014. Các đầu sách này đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, các cơ sở giáo dục trong toàn quốc có thể lựa chọn những cuốn sách phù hợp với nhu cầu của giáo viên và học sinh, bổ sung cho thư viện, hỗ trợ quá trình dạy - học.

Danh mục tham khảo gồm hơn 480 đầu sách được nêu tên cụ thể, tên tác giả, giá bìa và đối tượng sử dụng. Theo đó, cấp tiểu học có 158 đầu sách gồm các sách bổ sung kiến thức, đọc thêm, giáo dục giới tính, dạy khoa học xã hội bằng phương pháp bàn tay nặn bột...

Ở bậc THCS có 93 đầu sách với đầy đủ sổ tay kiến thức, tuyển chọn chuyên đề... Bậc THPT có 72 đầu sách tham khảo gồm sách nâng cao, chuyên đề luyện thi đại học...

Các cơ sở giáo dục lựa chọn sách tham khảo trong danh mục đã được công bố.
Các cơ sở giáo dục lựa chọn sách tham khảo trong danh mục đã được công bố.

Với các bộ sách tham khảo dùng chung có nội dung nâng cao năng lực hiểu biết, những câu chuyện kể về Bác Hồ, vũ trụ, khoa học... Bộ GD&ĐT mong muốn sẽ định hướng văn hóa đọc cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Qua đó, giúp ngành giáo dục quản lý được chất lượng nguồn sách và đánh giá xếp loại thư viện trường học.

Trước thực trạng sách tham khảo bát nháo, có nội dung và hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, dạy viết chính tả sai... khiến phụ huynh bức xúc, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở lựa chọn sách tham khảo theo đúng danh mục quy định; tuyên truyền để phụ huynh lựa chọn sách từ những nguồn tin cậy.

Bộ yêu cầu các tổ chức, cá nhân thuộc Sở GD&ĐT, phòng Giáo dục không  tham gia giới thiệu, quảng bá, vận động mua, phát hành sách tham khảo tới học sinh hoặc phụ huynh dưới bất kỳ hình thức nào.

Kiều Trinh (vnexpress)

Mua sách tham khảo lớp 10 cho con như thế nào?

Mua sách tham khảo lớp 10 cho con khi vào năm học mới là điều quan trọng giúp các em củng cố kiến thức trong sách giáo khoa và mở rộng kiến thức cho bậc học THPT cũng kiến thức cho kỳ thi đại học.

Theo đánh giá của các chuyên gia, lớp 10 là lớp học đầu tiên và quan trọng của bậc học THPT, có tính chất bản lề cho bậc học quan trọng nhất của đời người.

Mua sách tham khảo lớp 10 cho con như thế nào?
Mua sách tham khảo lớp 10 cho con như thế nào?
So với bậc học THCS, bậc học THPT mà mở đầu là lớp 10 học sinh sẽ tiếp cận với lượng kiến thức đa dạng, nhiều hơn và khó hơn.

Với sự thay đổi theo chiều hướng phức tạp, khó khăn hơn nên việc học ở lớp 10 đòi hỏi khả năng tư duy và tự học của học sinh nhiều hơn. Chính vì thế, việc mua sách tham khảo lớp 10 cho con là điều quan trọng khi các em bước vào năm học mới.

Sách tham khảo lớp 10 hiện rất đa dạng và phong phú do nhiều nhà xuất bản phát hành. Ngoài ra có thể thấy, thị trường sách tham khảo cũng đang bị chi phối rất nhiều bởi nguồn sách in lậu được bày bán khá tràn lan.

Nhiều bậc phụ huynh rất lo ngại trước việc lựa chọn sách tham khảo lớp 10 cho con như thế nào?

Theo các chuyên gia, không phải cứ mua nhiều sách tham khảo cho con là tốt. Học sinh lớp 10 chưa thể có định hướng rõ ràng về việc học và cách học vì thế định hướng và lựa chọn mua sách cho con như thế nào là điều rất quan trọng của phụ huynh.

Một số đầu sách tham khảo dưới đây theo đánh giá của các chuyên gia là khá cơ bản và phổ biến để phụ huynh có thể tham khảo và lựa chọn mua cho con em mình.

1. Bài tập tiếng anh lớp 10 (không đáp án), giá tham khảo 32.000 đồng

2. Các chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi luyện thi olympic môn Toán lớp 10 T048-DH, giá tham khảo 51.000 đồng

3. Những bài văn chọn lọc lớp 10, giá tham khảo 75.000 đồng

4. Tài liệu chuyên toán đại số - lớp 10, giá tham khảo 54.000 đồng

5. Tuyển tập 150 bài văn hay nâng cao lớp 10

6. 199 bài và đoạn văn hay lớp 10

7. Bồi dưỡng hình học lớp 10

8. Bồi dưỡng đại số lớp 10

Ngoài những đầu sách tham khảo nói trên, các bậc phụ huynh còn có thể tìm mua các sách tham khảo cho các môn học khác tại các hiệu sách. Tuy nhiên cũng cần tránh việc mua ồ ạt, quá nhiều đầu sách sẽ gây áp lực cho các em trong việc học tập.

Bí kíp mua sách giáo khoa giá rẻ

Chỉ còn vài tuần nữa là năm học mới bắt đầu. Bên cạnh việc khởi động những lớp học thêm, việc mua sách vở, bút thước cũng được teen quan tâm ghê lắm. Sau đợt sách giáo khoa tăng giá 17% vào tháng 4/2011 vừa qua, teen cũng phải quan tâm hơn tới hầu bao của mình và đỡ đần cha mẹ trong thời “bão giá”.

Mặc dù NXB Giáo dục không thực hiện chương trình sách tham khảo giảm giá như năm 2009, một số nhà sách vẫn có chương trình khuyến mại này. Đầu tiên phải kể đến hệ thống nhà sách FAHASA Hà Nội có chương trình giảm giá 5% cho sách giáo khoa, sách tham khảo và đặc biệt, giảm tới 8% cho khách hàng có thẻ giảm giá - được cấp khi mua hàng. Mặc dù giá giảm không nhiều nhưng “Một bộ sách gần 200 nghìn, cũng tiết kiệm được một chút mua vở bút, cũng phấn khởi” - bạn Trần Thùy Linh (THPT Đống Đa) khi đi mua hàng, cho biết.

Còn những teen nào mọt sách, hay lê la phố sách Đinh Lễ ắt hẳn phải biết nhà sách có thâm niên nhất ở đây, ví dụ nhà sách Mão - tầng 2 số nhà 5. Sách giáo khoa ở đây cũng được giảm giá 5% một bộ, có tem của NXB đàng hoàng và sách tham khảo cũng không thiếu, đây cũng là một kênh tốt cho teen.

Bí kíp mua sách giáo khoa giá rẻ
Chỉ cần biết cách lựa chọn một chút là teen có thể tiết kiệm một khoản kha khá cho cha mẹ rùi đó.
Sách giáo khoa cũ cũng là một lựa chọn không tồi với những teen muốn tiết kiệm hơn nữa. Tại dãy các cửa hàng sách cũ trên đường Láng - Đống Đa - Hà Nội, sách giáo khoa cũ được đóng thành từng bộ ngay ngắn, và đa phần các cửa hàng giảm giá 30% cho một bộ sách giáo khoa. Bạn Vân Anh, một học sinh trường THCS Láng Thượng, chọn sách giáo khoa cũ, chia sẻ: “Chúng mình vẫn mua sách giáo khoa ở đây như mọi năm. Sách tuy cũ nhưng vẫn sạch sẽ và dùng tốt, nên trừ những quyển bài tập phải viết thẳng vào sách hay những môn cần giữ gìn lâu như Văn, Toán, còn lại chúng mình đều mua sách cũ cho tiết kiệm tiền”.

Cá biệt có nhà sách bán sách cũ theo cân, như nhà sách Minh Hải (976 đường Láng, Hà Nội). Với giá 22k/cân, một bộ sách khoảng 4 cân thì gần như rẻ bằng một nửa. Tuy nhiên tiền nào của nấy, sách như vậy không được mới và sạch lắm, nên teen phải chịu khó chọn và có lẽ không hợp với những môn quan trọng, phải giữ sách cẩn thận để ôn thi đâu các bạn ạ.

Có nhiều cách để tiết kiệm hiệu quả mà vẫn học tốt. Sách giáo khoa thì teen chẳng những có thể tìm đến những nơi giảm giá hay lựa chọn sách cũ, mà còn có thể xin từ các anh chị học các năm trước. Còn sách và tài liệu tham khảo, mượn của thư viện hay tìm trên các trang web, diễn đàn như hocmai.vn, toancapba.com, tienganh.com.vn, congdong.hoc360.vn, …thay vì mua sách giấy... xem ra cũng là một ý kiến không tồi đâu phải không nào. Chúc teen bắt đầu một năm học mới với đầy thành công và hứng khởi nhé!

Giang Thủy nguồn vnexpress

Hỗn loạn thị trường sách giáo khoa tham khảo

Sắp bước vào năm học mới, bên cạnh nỗi lo trường lớp, thầy cô, sách giáo khoa thì việc lựa chọn sách tham khảo đang là vấn đề được các bậc phụ huynh và các em học sinh quan tâm.

Sách tham khảo đóng vai trò quan trọng trong việc bổ sung, nâng cao kiến thức, trau dồi phương pháp, rèn luyện kỹ năng cho học sinh cũng như đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó nó còn giúp cho các bậc phụ huynh dễ dàng hướng dẫn, kèm cặp con em mình trong quá trình học tập.

Hiểu được nhu cầu này, các Nhà xuất bản (NXB) đã không ngừng đưa ra nhiều đầu sách, chủng loại... tuy nhiên, đầu sách bày la liệt, tựa đề thu hút, mẫu mã bắt mắt, nhưng nội dung lại sao chép, vay mượn lẫn nhau với giá cả trên trời đã khiến không ít các bậc phụ huynh, học sinh phải hoang mang, lo lắng.

Hỗn loạn thị trường sách giáo khoa tham khảo
Hỗn loạn thị trường sách giáo khoa tham khảo
Dạo quanh một vòng các nhà sách lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội như: Cầu Giấy, Xuân Thuỷ, Giảng Võ, Nguyễn Thái Học…điều dễ nhận thấy là số lượng sách tham khảo gấp nhiều lần so với sách giáo khoa. Số lượng sách tham khảo tăng dần theo bậc học, từ mầm non đã có hàng chục đầu sách, đến bậc tiểu học, THCS, THPT.

Ngoài một số NXB quen thuộc, vài năm trở lại đây còn có sự góp mặt của rất nhiều NXB khác càng làm cho thị trường sách tham khảo trở nên hỗn loạn, đặc biệt, đối với HS lớp 12 thì số đầu sách tham khảo rất nhiều.

Tại một nhà sách trên đường Giảng Võ riêng môn Ngữ văn lớp 12, đã có tới 102  đầu sách, những môn khác như: Toán, Vật lý, Lịch sử… số lượng đầu sách tham khảo cũng vô cùng phong phú và đa dạng.

Với tâm lý mong muốn con mình có nhiều điều kiện để mở rộng kiến thức ngoài sách giáo khoa, chị Vũ Thị Thúy (Trung Kính, Hà Nội) tâm sự: “Tôi chọn sách tham khảo cho con học lớp 6, loay hoay cả buổi mà vẫn chưa chọn được sách phù hợp. Bây giờ sách tham khảo có nhiều loại, đã thế lại nhiều NXB, mỗi NXB lại có nhiều cuốn của nhiều tác giả khác nhau. Giá thành so với sách giáo khoa cũng không phải rẻ, có quyển còn đắt gấp đôi. Tôi đành chọn ngẫu nhiên một vài cuốn chứ cũng không biết phải làm thế nào”.

Bên cạnh đó, giá bán sách tham khảo, nâng cao... cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Trong khi hầu hết sách giáo khoa chính khóa đều có giá trên dưới 10.000 đồng/cuốn thì các sách tham khảo, nâng cao... đều đắt hơn từ gấp đôi, gấp ba đến gấp khoảng 10 lần.

Ví dụ: SGK Ngữ văn lớp 12 (tập 1) có giá 10.600 đồng/cuốn, nhưng "Cẩm nang ôn luyện thi Đại học, Cao đẳng môn Ngữ Văn” (NXB Đại học Sư phạm) lên đến 70.000 đồng, hay SGK môn Lịch sử  lớp 12 có giá 12.800 đồng/cuốn trong khi cuốn: “Kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kỳ môn Lịch sử lớp 12”  của NXB Giáo Dục lại lên đến 150.000 đồng/cuốn.

Chị Nguyễn Thị Hà, nhân viên một nhà sách cho biết : “Sắp vào năm học mới, nên phụ huynh cũng như các em học sinh đến tìm mua sách rất đông. Họ chủ yếu là mua sách tham khảo, hàng ngày lượng sách bán ra phải đến hàng trăm cuốn. Có người còn mua đến 20 cuốn sách cho con là điều bình thường”.

Chúng ta không thể phủ nhận rằng có những cuốn sách tham khảo rất có giá trị, đáng được trân trọng vì đó là tâm huyết và kinh nghiệm quý báu của những nhà sư phạm qua nhiều năm đúc kết. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những quyển sách chỉ là sự lắp ghép, vay mượn giữa những đầu sách này với đầu sách khác, mang nặng tính lợi nhuận, làm ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của đội ngũ biên soạn sách.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 21/2014/TT- BGD&ĐT, quy định các cơ sở giáo dục có trách nhiệm xây dựng các quy trình chi tiết về lựa chọn, mua sắm, quản lý, sử dụng xuất bản ấn phẩm tham khảo lưu hành trong cơ sở giáo dục, thông báo cho cán bộ, giáo viên, học viên về danh mục, xuất bản ấn phẩm tham khảo đã được chọn lựa, sử dụng hàng năm.

Vì vậy, các bậc phụ huynh cần có sự tham khảo ý kiến từ phía giáo viên, đồng thời, với kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình giảng dạy của mình, các giáo viên chuyên môn cũng nên hướng dẫn cho phụ huynh và học sinh chọn mua sách tham khảo phù hợp, sát chương trình.

Theo Nga Phạm/Báo Công Lý

Sử dụng sách tham khảo hiệu quả

Sách tham khảo cho học sinh bày bán tràn ngập trong các nhà sách. Vì thế, chọn sách gì giữa hàng ngàn đầu sách, hàng trăm tác giả là việc khó khăn đối với nhiều phụ huynh. 

"Bí kíp" chọn mua sách tham khảo và dụng cụ học tập?

Sử dụng sách tham khảo hiệu quả Phụ huynh cần lưu ý đến học lực của con để lựa chọn và sử dụng sách tham khảo hiệu quả - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Sử dụng sách tham khảo hiệu quả Phụ huynh cần lưu ý đến học lực của con để lựa chọn và sử dụng sách tham khảo hiệu quả - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bà Phạm Thị Hóa, Trưởng phòng Kinh doanh của hệ thống nhà sách Fahasa, cho biết: “Trong khoảng 1, 2 năm trở lại đây, do sự cạnh tranh rất lớn nên các nhà xuất bản đầu tư nhiều vào nội dung và hình thức của sách tham khảo, do đó phụ huynh không cần lo nhiều về chất lượng sách. Quan trọng nhất là phải chọn những cuốn phù hợp với lực học của con mình, hướng dẫn con cách sử dụng sao cho phát huy được cái hay của từng cuốn sách, tránh việc để trẻ phụ thuộc vào sách dẫn đến thiếu tự giác, lười tư duy”.
Bà Trần Tiễn Hạnh Dung, phụ trách bộ phận sách của nhà sách Nguyễn Văn Cừ, thông tin: “Hiện nay hệ thống nhà sách chúng tôi bán cả ngàn đầu sách tham khảo. Trong đó có tác giả viết nhiều tựa sách, cũng có nhiều tựa sách giống nhau nhưng của nhiều tác giả khác nhau”. Hệ thống nhà sách Fahasa hiện cũng nhập khoảng 7.000 đầu sách, trong đó các môn toán, văn và tiếng Anh chiếm phần lớn. Bà Phạm Thị Hóa công nhận do lượng sách quá nhiều nên việc trùng lặp về đề, bài giải là không tránh khỏi. “Do đó, phụ huynh không nên mua nhiều dễ bị trùng. Chỉ nên chọn một số cuốn quan trọng và nên mua theo bộ của cùng một tác giả thì sẽ dễ dàng tiếp thu hơn”, bà Hóa khuyên.

Cô Võ Thị Thùy Linh, giáo viên Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM, cho biết: “Điều quan trọng nhất là phụ huynh phải dành thời gian hướng dẫn con cách tham khảo sách như thế nào chứ không phải mua sách về và để con tự đọc”. Theo bà Hạnh Dung, trong trường hợp phụ huynh không biết phải lựa chọn sách nào thì nên nhờ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tư vấn.

Cần định hướng cho học sinh

Theo bà Hóa, sách tham khảo rất đa dạng, có loại chỉ gợi ý, có loại giải chi tiết, có sách kết hợp cả hai. “Dù là sách gợi ý hay sách giải thì mỗi loại đều có giá trị riêng. Phụ huynh có vai trò giám sát định hướng cho con trong trường hợp nào thì dùng bài gợi ý, trường hợp nào thì đọc bài giải”. Bà Hóa lấy ví dụ: “Trước khi cho con đọc bài văn mẫu thì nên để con đọc bài gợi ý, tự làm bài; sau đó đọc văn mẫu để bổ sung thêm những ý thiếu hụt và học cách diễn đạt, cách sử dụng câu, từ”.

Phó giáo sư - tiến sĩ Trần Hữu Tá cũng nhận định: “Sách tham khảo rất có ích nếu biết cách sử dụng. Tuy nhiên, trong môn văn nếu quá phụ thuộc vào các cuốn giải văn mẫu, đọc để thuộc lòng và vận dụng máy móc vào các bài tập làm văn thì rất nguy hiểm”. Ông Tá khuyên phụ huynh chỉ nên mua những cuốn sách gợi ý cách làm bài chứ không nên mua sách văn mẫu, vì nó dễ khiến học sinh bắt chước, làm triệt tiêu đi tư duy sáng tạo và mất dần cảm xúc. Chỉ nên cho học sinh đọc các bài văn mẫu để học hỏi chứ tuyệt đối không khuyến khích con sử dụng cho bài văn của mình.

Ở môn toán, Giáo sư Đặng Đức Trọng, Trưởng khoa Toán - Tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, gợi ý: “Nếu con có lực học khá, giỏi thì nên mua sách giải sẵn các bài toán từ sách giáo khoa hoặc toán nâng cao để con tự đọc, tìm hiểu. Sau đó nói con trình bày lại”. Giáo sư Trọng nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là phải hiểu chứ không phải thuộc. Nếu học sinh trung bình, yếu thì phải có người giảng giải, kèm cặp thêm. Những sách trình bày nhiều cách giải cho một bài toán thì chỉ phù hợp với học sinh khá giỏi”.

Nguồn thanhnien