Lạm dụng sách tham khảo - "Thủ phạm" làm hại tư duy học sinh.

I. Mở bài:

Xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ, đòi hỏi con người ta, và đặc biệt là học sinh phải không ngừng rèn luyện, phấn đấu về tri thức và trí tuệ. Thế nhưng, hiện nay đang tồn tại một nghịch lí trong nền giáo dục: học sinh lười suy nghĩ, thiếu sáng tạo. Việc lạm dụng nhiều sách tham khảo đã và đang làm thui chột tư duy của học sinh.

Lạm dụng sách tham khảo - "Thủ phạm" làm hại tư duy học sinh.
Lạm dụng sách tham khảo - "Thủ phạm" làm hại tư duy học sinh.


II.Thân bài:

1. Dẫn dắt ( Khái quát vào bài):

Sách tham khảo không phải là xấu, nhưng việc lạm dụng nó của học sinh đang trở thành một vấn đề mà cả xã hội quan tâm. Vậy, chúng ta suy nghĩ như thế nào về hiện tượng này?

2. Giải thích: Sách tham khảo là gì?

Sách tham khảo là một công cụ góp phần cung cấp thêm tư liệu, mở rộng kiến thức giúp cho việc học tốt hơn. Hiện nay, sách tham khảo có ở mọi lĩnh vực của cuộc sống, ở mọi bậc, cấp học với đủ chủng loại, kiểu dáng và được trình bày khá bắt mắt. Điều đó, giúp cho người sử dụng nâng cao được khả năng trình bày, giúp học sinh diễn đạt ý tưởng của mình một cách khoa học và cụ thể.

3. Liên hệ thực tế, nêu biểu hiện:

- Khoảng chục năm trở lại đây, các loại sách tham khảo dành cho đối tượng học sinh tràn ngập trên thị trường. Tâm lí phụ huynh nào cũng muốn mua thêm cho con em mình một số loại sách tham khảo, ngoài bộ sách giáo khoa, để con em có điều kiện học tập tốt hơn. Bản thân, mỗi học sinh cũng rất thích được sở hữu nhiều loại sách tham khảo hay, phục vụ cho cách diễn đạt và trình bày một cách khoa học. Hơn nữa, chương trình mới, ngoài sách giáo khoa, mỗi bộ môn còn có thêm sách giải bài tập đi kèm, cũng do nhóm tác giả làm sách giáo khoa biên soạn. Dạng sách bài tập này vừa giải đáp các câu hỏi trong sách giáo khoa vừa có mở rộng, bổ sung thêm một số dạng bài tập mới. Không đề cập đến chất lượng sách tham khảo ở đây. Xét ở góc độ nào đó, sách tham khảo cần thiết cho đối tượng học sinh. Nó bổ trợ kiến thức, củng cố, nâng cao nhận thức, tư duy học tập bộ môn cho học sinh biết sử dụng sách tham khảo.

- Thế nhưng, trong thực tế, cũng có không ít những học sinh lạm dụng quá mức sách tham khảo. Nhiều bạn chọn và mua sách tràn lan, không chú ý đến tác giả, nhà sản xuất và chất lượng sách. Không những vậy, “bưng” nguyên phần giải đáp mà không chịu tư duy, suy nghĩ trên cái hay, cái bổ ích từ sách tham khảo để chống đối khi thầy cô kiểm tra bài. Và đặc biệt hơn nữa, là dùng nó làm tài liệu trong giờ kiểm tra trên lớp, trong kì thi chung ở trường.

4. Tác hại:

Hậu quả việc lạm dụng quá mức sách tham khảo của nhiều bạn học sinh thật nguy hại. Lạm dụng quá mức sách tham khảo khiến học sinh lười suy nghĩ, thiếu tinh thần ham muốn học hỏi, tạo ra thói lười nhác, ỷ lại. Nhiều bạn học sinh coi những quyển sách tham khảo như vật bảo bối để chống đối thầy cô giáo trong giờ kiểm tra, thi cử trở thành người thiếu trung thực. Dễ bị lệ thuộc quá vào sách tham khảo, tư duy, suy nghĩ độc lập,sáng tạo của học sinh dần bị xói mọn, vơi cạn. Đồng thời, cũng gây tốn kém cho kinh tế của gia đình, bố mẹ.

5. Nguyên nhân:

Vậy, nguyên nhân là do đâu? Do tâm lí muốn có nhiều sách tham khảo. Nhưng điều đang buồn là tâm lí mong muốn đó không phải để nâng cao kỹ năng trình bày, giúp bản thân học tập tốt hơn mà chính là để đối phó với các bài tập thầy cô giáo giao. Do còn ham chơi, mải chơi, muốn hạn chế thời gian làm bài và chuẩn bị bài. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một nguyên nhân là mong muốn được điểm cao trong học tập.

6. Ý kiến đánh giá, bình luận:

Rõ ràng, tình trạng lạm dụng sách tham khảo của học sinh ngày nay cần phải bài trừ và loại bỏ. Học sinh cần phải ý thức được STK rất có ích trong học tập, chứ không lạm dụng nó. Sử dụng một cách có mức độ để đạt được hiệu quả là tùy thuộc đặc điểm mỗi cá nhân. Đồng thời, các nhà quản lý nên để sách tham khảo phát huy đúng vai trò của nó, tức là hướng dẫn, gợi mở phương pháp, nếu cần thì thêm phần đáp số (với môn Toán, Lý, Hóa), dàn ý (với môn Văn) chứ không nên biên soạn dưới dạng bài giải chi tiết như hiện nay.

III. Kết bài: Khẳng định lại vấn đề.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét